TTLab Academy Blogs
Yêu cầu dự án và tầm quan trọng của việc phân tích yêu cầu
Mục lục
Yêu cầu dự án là tài liệu miêu tả những yêu cầu của khách hàng về sản phẩm phần mềm, những hành vi của đối tượng trong sản phẩm đó, đó là những yêu cầu về chức năng hoặc phi chức năng mà sản phẩm phần mềm cần đáp ứng được.
Các loại tài liệu yêu cầu
Tài liệu SRS (Software Requirement Specification): Là tài liệu yêu cầu có cấu trúc và chi tiết, gồm các yêu cầu về chức năng (function requirements), phi chức năng (non-function requirements) và tất cả các case khác mà phần mềm cần đáp ứng.
Tài liệu BRD (Business Requirement Document): Là tài liệu tập hợp các yêu cầu nghiệp vụ và yêu cầu của các bên liên quan. Cấu trúc thường gồm: Mục tiêu dự án, Phạm vi dự án, Yêu cầu chức năng, Tiến độ, Thời gian, Nguồn lực, Chi phí và Lợi ích.
Tài liệu FRS (Function Requirement Specification): Đây là tài liệu mô tả, xác định chức năng của hệ thống hoặc thành phần của hệ thống.
UI/UX: Là tài liệu mô tả thiết kế người dùng và giao diện người dùng.
Tài liệu Use case: Thể hiện sự tương tác của người dùng với từng chức năng của phần mềm.
Data Flow: Là sơ đồ luồng dữ liệu, tài liệu này mô tả quy trình, cách xử lý dữ liệu từ mức cơ bản đến chuyên sâu.
User Stories: Là các mong muốn của người dùng về các đặc điểm của sản phẩm.
Tầm quan trọng của phân tích yêu cầu
Phân tích và định rõ yêu cầu là bước trong quy trình phát triển 1 dự án phần mềm. Công việc ở bước này là tìm hiểu xem chúng ta phải phát triển cái gì, chứ không phải là phát triển như thế nào. Đích cuối cùng của khâu phân tích là tạo ra đặc tả yêu cầu, là tài liệu ràng buộc giữa khách hàng và người phát triển và là cơ sở của hợp đồng.
Hoạt động phân tích là hoạt động phối hợp giữa khách hàng và người phân tích (bên phát triển). Khách hàng phát biểu yêu cầu và người phân tích hiểu, cụ thể hóa và biểu diễn lại yêu cầu. Hoạt động phân tích giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển phần mềm, giúp cho đảm bảo chất lượng của phần mềm. Phần mềm thực hiện được chính xác, đầy đủ yêu cầu của người sử dụng. Nếu phân tích không tốt dẫn đến hiểu lầm yêu cầu thì việc sửa chữa sẽ trở nên rất tốn kém. Chi phí để sửa chữa sai sót về yêu cầu sẽ tăng lên gấp bội nếu như sai sót đó được phát hiện muộn.
Các hoạt động phân tích yêu cầu
Làm rõ yêu cầu (Eliciting requirements): giao tiếp với khách hàng và người sử dụng để xác định các yêu cầu của họ.
Xem xét yêu cầu (Analyzing requirements): xác định xem các yêu cầu được đặt ra có ở tình trạng không rõ ràng, không hoàn chỉnh, đa nghĩa, hoặc mâu thuẫn hay không, và giải quyết các vấn đề đó.
Làm tài liệu yêu cầu (Recording requirements): các yêu cầu có thể được ghi lại theo nhiều hình thức, chẳng hạn các tài liệu ngôn ngữ tự nhiên, các tình huống sử dụng (use case), câu chuyện sử dụng (user story), hoặc các đặc tả tiến trình.
Mục tiêu của phân tích yêu cầu
Lấy được các yêu cầu đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng và phù hợp với hệ thống.
Phân tích các yêu cầu có sẵn với những ứng dụng mang tính sẵn có.
Phân tích được khả năng mở rộng của các yêu cầu theo thời gian từ đó biết được cách tốt nhất để đạt được khả năng mở rộng này.
Phân tích các yêu cầu tích hợp với hệ thống.
Kiểm soát được sự thay đổi của các yêu cầu và bổ sung thay đổi kịp thời phù hợp với hệ thống.
Xác định được yêu cầu chức năng, phi chức năng.
Các bước đọc và phân tích tài liệu đặc tả phần mềm hiệu quả
Đọc xem tổng quan dự án làm cái gì và làm về mảng nào.
Dựa vào các kinh nghiệm thực tế trong đời sống với các nguồn tham khảo, hình dung ra các chức năng cơ bản của sản phẩm.
List ra các chức năng lớn và các đầu mục sau đó mới đọc chi tiết các chức năng nhỏ.
Đọc các yêu cầu một cách chi tiết các chức năng cần làm.
Xác định được các hành động cần thiết từ đầu vào hoặc đầu ra.
Kết luận
Bước phân tích yêu cầu có thể là một quá trình dài và khó khăn, cần đến nhiều kĩ năng. Các hệ thống mới làm thay đổi môi trường và các mối quan hệ giữa con người, do đó điều quan trọng là phải xác định được tất cả những người có vai trò quan trọng, xem xét tất cả các nhu cầu của họ và đảm bảo rằng họ hiểu được các hàm ý của hệ thống mới.
Bài viết cùng chủ đề:
© 2023 Tokyo Tech Lab Academy. All Rights Reserved.